top of page

03 Kỹ năng không thể thiếu giữa thời loạn

  • Writer: Thien-Nhi Nguyen
    Thien-Nhi Nguyen
  • May 10, 2020
  • 8 min read

Updated: May 10, 2020

Mình cảm thấy thật thần kỳ khi nhận thức được mình đang ở Sài Gòn hít hà bầu không khí của múi giờ GMT+7. Nói trải nghiệm về nước và vào trại cách ly là một bộ phim hành động cấp quốc tế quả không ngoa. Tình tiết của “Về Nước” thay đổi liên tục từng giờ từng phút, những cú twist trực chờ nhảy xổ ra vào lúc mình không ngờ nhất; một vài nhân vật thường dân đột nhiên trở nên có tiếng nói, số khác tự dưng sắm vai phản diện.

Nếu biết tận dụng, thì đây là thời điểm quyết định để mỗi người tự nhìn nhận, đánh giá lại hành trình của mình; từ đó, đặt thêm mục tiêu phát triển bản thân. Với mình, trong thời loạn, mình có dịp trải nghiệm sâu sắc hơn 03 bài học lớn sau.

1. Khả năng phân tích tình huống và ra quyết định

Nhớ lại những ngày cuối tháng 02, mình và chị An vẫn yên ổn học hành, theo dõi tin tức về Coronavirus ở các nước châu Á. Đến tuần đầu của tháng 03, con virus này bỗng lên kế hoạch “du hí” đến châu Âu. Đầu tiên là Ý, rồi Thuỵ Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Thuỵ Sĩ lần lượt góp mặt vào bảng xếp hạng không ai mong muốn. Khi Anh cập nhật hơn 200 trường hợp dương tính, tụi mình bình tĩnh quan sát tình hình và quyết định trữ một số đồ khô có hạn sử dụng lâu dài như gạo, nếp, khoai và đồ hộp. Nước Anh nói chung và Cambridge nói riêng có khá nhiều người châu Á sinh sống, mà đa phần người châu Á hay lo xa, nên nếu mình không chủ động trữ đồ đủ dùng, thì đến nhu yếu phẩm cũng khó mà còn trên kệ hàng. Thực vậy, lúc đến siêu thị, nhiều thực phẩm có hạn sử dụng lâu dài như mì gói, kim chi; hay đồ dùng y tế như nước rửa tay, khẩu trang, đã cháy hàng và chưa biết khi nào tái nhập.

Về phía người dân châu Âu, cá nhân mình nhận thấy họ khá chủ quan. Mình khảo sát 10 người ở nhiều độ tuổi khác nhau, thì hết 10 người chia sẻ họ không sợ con virus này, ngược lại, rất tự tin vào sức khoẻ của bản thân: “số liệu cho thấy chỉ có người già mới tử vong” – một bác sĩ người Thuỵ Sĩ chia sẻ, “mấy đứa còn trẻ, còn khoẻ thì sợ cái gì” – một bác tài xế Uber người Anh, 50 tuổi, cười nói với mình.

Khách quan mà nói, mình không hoảng loạn và không hẳn là quá sợ hãi con virus này, nên lúc đầu vẫn chọn ở lại. Nhưng từ tuần thứ hai của tháng 03, khi mọi chuyện ở Anh và châu Âu có dấu hiệu xấu đi, mình nghiêm túc đánh giá tình hình thực tế và quyết định về nước.

Thứ nhất, mình là học sinh trao đổi, chương trình học kết thúc vào giữa tháng 05 và visa của mình hết hạn vào tháng 06. Trong khi trường ở Anh nhấn mạnh vẫn mở cửa hoạt động bình thường, thì trường mình ở Hà Lan đã ra thông báo tạm đóng cửa và dời tất cả chương trình học sang hình thức online. Mình dự đoán với sự bình thản của người dân và sự lơ là cảnh báo của chính phủ Anh, sớm muộn diễn biến của dịch bệnh sẽ xấu đi, các trường ở Anh sẽ tiếp bước Ý đóng cửa trường và phong toả biên giới. Lúc này, chính phủ Anh thông tin về chương trình miễn dịch cộng đồng và nhận được không ít “gạch đá” từ một số công dân Anh và từ chính phủ các nước châu Âu. Đó là yếu tố đầu tiên khiến mình muốn rời Anh.

Thứ hai, nơi mình sống tại Cambridge không đủ an toàn. Quan điểm của mình là, nếu cách ly tại nhà và vệ sinh cá nhân tốt, mình sẽ không bị nhiễm. Đó là viễn cảnh lý tưởng nếu ai cũng nghiêm túc thực hiện. Tuy nhiên, vì ký túc xá trường không còn chỗ, mình và chị An hiện đang thuê phòng Airbnb của một giáo sư trường Queen’s Marry (London), share nhà cùng hai bạn khác. Giáo sư thường xuyên đi công tác nước ngoài, di chuyển giữa London và Cambridge để dạy học. Mình có trao đổi với ông về việc nâng cao ý thức giữ gìn sức khoẻ cá nhân và vệ sinh chung trong nhà, vì ngoài mình, chị An và ông, thì còn hai bạn khác nữa. Ông tỏ ra rất hợp tác nên ban đầu mình cũng tạm yên tâm. Có điều, theo quan sát, ông ngoài việc không đeo khẩu trang, thì cũng không thường xuyên rửa tay hay sử dụng sát trùng tay nhanh. Trước ngày mình rời đi, mình có ăn trưa với ông và bạn nam cùng nhà, nên tình cờ biết được hai người có kế hoạch đi … nhảy salsa với một nhóm tầm 30 người vào chiều hôm đó. Có thể mình lo xa, nhưng mình biết chắc chắn một điều rằng: nếu mình chọn ở lại, thì về lâu dài, mình khó có thể giữ tinh thần vững vàng, sẽ suốt ngày sống trong lo âu và dễ dàng rước bệnh tâm lý vào người. Nên mình chọn rời đi.

Tại sao không chọn về Hà Lan?

Ngoài phương án về nước, mình từng nghĩ sẽ quay lại Hà Lan, vì đó là nơi mình học tập lâu dài và đã quen thuộc với nếp sống, với con người. Tuy nhiên, mình khó có thể trở lại vào thời điểm đó. Một, mình không có nhà. Mà không có nhà ở Hà Lan, thì không khác gì người vô danh tính. Hai, giữa lúc dầu sôi lửa bỏng, Hà Lan bắt đầu ghi nhận trên 200 ca nhiễm, chương trình giao lưu của 900 sinh viên tới Ý vẫn khuyến khích được diễn ra. Dù nhiều công dân của Hà Lan và Việt Nam thể hiện sự phẫn nộ với quyết định này, 900 sinh viên vẫn y theo kế hoạch, xuất phát từ thành phố Groningen nơi mình từng sống, đến Ý và quay về Hà Lan. Với động thái này, mình dự đoán tình hình phát tán virus ở Hà Lan cũng sẽ lan nhanh, và quyết định về Việt Nam.

Mỗi người, dựa vào tình thế và hoàn cảnh riêng, sẽ có quyết định khác nhau. Với những đồng bào lựa chọn ở lại, không phải họ không nhìn ra được những nguy cơ. Với những người về nước, cũng không hẳn về theo phong trào. Visa, bảo hiểm, nhà ở, chương trình học, việc làm, môi trường sống, gia đình, và nhiều lý do khác ngoài coronavirus, có thể giữ chân một người, hoặc đẩy người đó ra khỏi đất nước sở tại. Không có quyết định đúng hay sai, chỉ có phù hợp hay không phù hợp.

2. Giữ đầu óc tỉnh táo để tiếp nhận và sàng lọc thông tin

Tin giả và những mẩu chuyện đơm đặt nhan nhản trên mạng rất dễ đánh lạc hướng dư luận, nhằm mục đích chĩa mũi giáo vào một sự việc, một đối tượng nào đó. Chia sẻ ý kiến là quyền tự do ngôn luận của mỗi người. Nhưng chia sẻ theo hướng khích bác và đả kích cá nhân, hoặc tranh cãi không dựa vào luận điểm thực tế nào, rất dễ lan truyền tâm lý tiêu cực và lo âu đến cộng đồng. Đơn cử, cùng là một bức ảnh chụp nhiều chiến sĩ nằm ngủ ngoài sân, có người sẽ tập trung cảm ơn sự hi sinh thầm lặng của các thiên thần, người khác lại cố gán ghép câu chuyện về sự phàn nàn chê bai của du học sinh. Cùng nói về bữa ăn ở khu cách ly, có người đăng tải bộ ảnh đẹp lung linh của các suất ăn trong 14 ngày, số khác lại tìm ảnh ở một đám cưới nào đó và dựng lên câu chuyện người cách ly không tự rửa chén!?

Trong thời loạn, đa số mọi người đều trở nên nhạy cảm, đặc biệt là với những thông tin tiêu cực, dễ gây tranh cãi. Cùng là một việc, mỗi người lại có quan điểm và cách khai thác khác nhau. Tuy nhiên, một phần của sự thật, chưa chắc là toàn bộ sự thật. Là một người làm nội dung, làm truyền thông tương đối lâu năm, mình khuyến khích đồng bào mình:

  • Chủ động tìm đọc những kênh chính thống, có dẫn chứng xác thực để đưa ra phán đoán sáng suốt nhất. Ở Việt Nam, mình đặt trọn niềm tin vào báo Tuổi Trẻ về tính xác đáng của tin và chất lượng bài viết. Báo chí nước ngoài cũng vậy, ở Anh nhan nhản tin giả, ngay cả BBC cũng đưa tin tức mang tính chủ quan, đơn cử là bài viết “5 điều cần biết về Coronavirus” [1].

  • Khi đọc được một tin “giật gân”, hãy tạm kiềm chế mong muốn chia sẻ, mở Google và tìm từ khoá tương tự để xem xét tính chính xác của thông tin. Lúc nhận tin thủ tướng Anh Boris Johnson nhận kết quả dương tính với coronavirus, mình bất ngờ hết sức vì không nghĩ chính phủ sẽ công bố tin tức tối quan trọng này, sau khi thái tử cũng xác nhận dương tính. Ngay lập tức, mình phải tra thêm một số nguồn báo khác, khi thấy tin này là sự thật, mới chia sẻ với bạn bè.

  • Nuôi dưỡng chính kiến, có lập luận riêng, nhưng không nhằm vào mục đích khích bác hay cố tình đả kích cá nhân. Đơn giản là vì, ngoài nói cho thoả cái tôi, thì vấn đề vẫn nằm ở đó. Chia sẻ tiêu cực thì sẽ thu hút tiêu cực.


3. Nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự cảm thông

Khi đã yên vị ở khu cách ly quận 12, mình tranh thủ lên đọc tin tức về EU mà chỉ tổ lo thêm, người như ngồi trên đống lửa, không biết bạn bè đồng bào mình có kịp về nước trước khi EU phong toả biên giới không. Không biết du học sinh và đồng bào mình kẹt lại ở Dubai và Pháp sẽ về đoàn tụ với gia đình như thế nào. Giờ ở trại cách ly không hẳn là an toàn tuyệt đối, nhưng ít nhất không cần thấp thỏm lo cho tính mạng của mình.

Rồi thì báo lại đưa tin có người ầm ĩ không chịu vào khu cách ly, người phàn nàn đủ chuyện, người dùng quan hệ để cố tìm chỗ VIP hơn. Mình biết mỗi nhà mỗi cảnh, nên không đánh giá ai cả, vì trải nghiệm này chưa chắc dễ chịu với nhiều cá nhân. Nhưng mình thương họ 1, thương những người ở cùng mình 10. Ở đây, mình bắt gặp em nhỏ mới 6 tháng tuổi bịt mũi bịt miệng suốt ngày mà không quấy khóc, cô bé 15 tuổi cùng phòng buồn lòng khóc cả tối, mấy bác 60+ đội nắng xếp hàng làm xét nghiệm - lấy khẩu trang, các mẹ bầu vác bụng to đi đi lại lại, người nước ngoài sống trong môi trường lạ lẫm không ai thân thích - tủi thân đến nỗi rớt nước mắt trong phòng. Riêng đội ngũ chiến sĩ hàng không, y tế, quân đội, mình thương gấp 1000 lần. Họ cũng có gia đình, có bạn bè, nhưng ai cũng cố gắng hết sức tương trợ và nhận lấy nguy cơ về phần mình bất kể ngày đêm. Không một lời than vãn.

Trong thời buổi sống nay chưa biết ngày mai ra sao này, ai cũng có nỗi lo của riêng mình. Mình nghĩ cách tốt nhất là yêu thương nhau nhiều hơn bao nhiêu hay bấy nhiêu. Bớt than vãn khó ở, bớt soi mói sân si, bớt khẩu nghiệp. Nếu nhắm lời mình nói ra không đẹp đẽ gì thì thôi ráng giữ sự tiêu cực đó cho riêng mình đi, chớ đừng làm tổn hại đến tinh thần của người khác. Đó cũng là một sự giúp đỡ to lớn lắm rồi.

Mong dịch bệnh mau kết thúc, để mọi người trở lại với nhịp sống bình thường, làm ăn kinh doanh phát triển kinh tế nuôi sống gia đình.

Rồi còn gửi nhau một cái ôm để thoả sự đè nén những ngày qua.

---

Trích dẫn:


Comments


bottom of page